UBND HUYỆN THANH HÀ
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Tổng truy cập: 1,690,470 (Hôm nay: 17 online: 10) Toàn huyện: 310,127,601 (Hôm nay: 352 online: 153) Đăng nhập

       

         Kính thưa các thầy giáo, cô giáo cùng các em học sinh thân mến....

     Hòa trong không khí phấn khởi, tự hào của toàn Đảng, toàn Dân và toàn Quân ta, lập thành tích cao nhất kỷ niệm 80 năm ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024); 35 năm Ngày Hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024). Hôm nay, cô giáo muốn nói chuyện với các thầy cô cùng các em để ôn lại lịch sử truyền thống QĐND Việt Nam.

Cách đây 80 năm, một sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của cách mạng Việt Nam, đó là việc ra đời Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Đảng cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930 là bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về giai cấp lãnh đạo và đường lối cứu nước. Trong Chính cương vắn tắt được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng tháng 2/1930, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập tới việc tổ chức ra "Quân đội công nông".

Trong Luận cương chính trị tháng 10/1930 thông qua tại Hội nghị lần thứ nhất BCH trung ương lâm thời của Đảng cũng chỉ rõ nhiệm vụ "Vũ trang cho công nông". Trong cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh đã ra đời các "Đội tự vệ đỏ" là tiền thân của lực lượng vũ trang (LLVT) cách mạng.

Từ năm 1939, trước sự chuyển biến của tình hình thế giới, khi thời cơ xuất hiện, cách mạng Việt Nam đã có sự chuyển hướng chiến lược: Đặt nhiệm vụ trọng tâm vào đánh đế quốc giải phóng dân tộc, tích cực chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật phát triển mạnh mẽ ở cả thành thị và nông thôn, cả rừng núi, trung du và đồng bằng. Các cuộc khởi nghĩa từng phần và chiến tranh du kích đã diễn ra trên khắp các địa phương, dẫn đến hàng loạt tổ chức vũ trang cách mạng được thành lập như: Đội Du kích Bắc Sơn, du kích Nam kỳ, du kích Ba Tơ, các đội cứu quốc quân 1(14/2/1941), cứu quốc quân 2(15/9/1941)...Trước sự phát triển mạnh mẽ, rộng khắp của phong trào cách mạng và sự trưởng thành nhanh chóng của các tổ chức vũ trang đòi hỏi cách mạng Việt Nam lúc này phải có một Quân đội chủ lực thống nhất về tổ chức.

Trước khi thành lập đội quân chủ lực thống nhất, Bác Hồ đã gửi cho đồng chí Võ Nguyên Giáp bản Chỉ thị, trong đó Bác ghi: "Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền". Bác khẳng định: "Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam". Sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị, 17 giờ, ngày 22/12/1944 trong khung cảnh hùng vĩ của núi rừng Việt Bắc, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc Châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng - nay là xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, trước sự chứng kiến của đại biểu Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng và đồng bào các dân tộc ở địa phương, được sự ủy nhiệm của Trung ương Đảng và Bác Hồ, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã long trọng tuyên bố thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, ban đầu Đội gồm có 34 chiến sĩ do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (Tức Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên, đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách kế hoạch - tình báo; Dưới lá cờ đỏ sao vàng, toàn Đội đã tuyên đọc Mười Lời thề danh dự nói lên lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, tinh thần hy sinh chiến đấu đến giọt máu cuối cùng vì sự nghiệp cách mạng, kiên quyết chiến đấu tiêu diệt kẻ thù, hết lòng phục vụ nhân dân, tinh thần đoàn kết và ý thức tổ chức kỷ luật của Quân đội cách mạng, Mười lời thề của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã trở thành lời thề của Quân đội ta sau này.Thực hiện Chỉ thị của Bác Hồ: "Trong vòng một tháng phải có hoạt động" và "Trận đầu ra quân phải thắng", chỉ 2 ngày sau khi thành lập (24, 25/12/1944), Đội đã đánh tập kích vào hai đồn Phai khắt và Nà Ngần (Cao Bằng) tiêu diệt và bắt sống toàn bộ sĩ quan, binh lính, thu toàn bộ vũ khí gây tiếng vang lớn thể hiện tinh thần sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, chấp hành nghiêm mệnh lệnh chỉ huy, mở đầu cho truyền thống quyết chiến, quyết thắng của của Quân đội ta.

Tháng 4 năm 1945, Hội nghị Quân sự CM Bắc Kỳ của Đảng đã quyết định hợp nhất các tổ chức vũ trang trên cả nước thành lập Việt Nam Giải phóng quân (15/5/1945); Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam Giải phóng quân được đổi tên thành Vệ Quốc quân; Năm 1946 là Quân đội Quốc gia Việt Nam và đến năm 1950 được đổi thành QĐND Việt Nam.

Như vậy, QĐND Việt Nam được ra đời trên nền tảng của truyền thống yêu nước, ý chí quật cường, bất khuất của dân tộc, được Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, sự chăm lo đùm bọc giúp đỡ của nhân dân; Cùng với thời gian, QĐND Việt Nam đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, đã chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, lập nên nhiều chiến công vang dội làm rạng danh non sông, đất nước và tô thắm thêm truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc ta.

Theo nguyện vọng của nhân dân cả nước, ngày 17/10/1989 Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa VI) đã quyết định lấy ngày kỷ niệm thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944), đồng thời là ngày Hội Quốc phòng toàn dân. Việc lấy ngày thành lập QĐND Việt Nam là ngày Hội Quốc phòng toàn dân là một sự kiện trọng đại, có ý nghĩa to lớn, đánh dấu bước phát triển mới của LLVT nhân dân và cách mạng Việt Nam để toàn Đảng, toàn dân tích cực chăm lo xây dựng LLVT nhân dân và sự nghiệp Quốc phòng toàn dân.

Chặng đường hơn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta đã gắn liền với những thành tích, chiến công vang dội, từ những trận đầu hạ Đồn Phai Khắt, Nà Ngần (Cao Bằng) mở đầu cho truyền thống "Quyết chiến, quyết thắng" của Quân đội ta, đến các chiến dịch: Việt Bắc thu - đông năm 1947, Biên giới thu - đông năm 1950, Điện Biên Phủ 1954 thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; Từ trận đầu thắng Mỹ ở Núi Thành năm 1965 đến chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975 đã thống nhất hai miền Nam - Bắc, đưa Giang sơn về một mối. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, hình ảnh người chiến sĩ mũ nan, dép lốp với gậy tầm vông, giáo mác nhưng đã dám xả thân quyết tiến công quân thù, những chiến sĩ cảm tử "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" dũng cảm ôm bom ba càng lao vào tiêu diệt xe tăng địch, đến những chiến sĩ "Nhằm thẳng quân thù mà bắn", "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù"..."Bộ đội Cụ Hồ" mãi mãi là hình ảnh cao đẹp, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống, ý chí quật cường của dân tộc ta, là nét đẹp văn hóa đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam Anh hùng. Những hành động, những tấm gương tiêu biểu đó đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của QĐND Việt Nam Anh hùng, xứng đáng với lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Quân đội ta Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì CNXH, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".

Ngày nay, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” càng được toả sáng, nhân lên trong giai đoạn cách mạng mới, những hình ảnh, hành động vô cùng anh dũng và xúc động khi mà hàng vạn cán bộ, chiến sĩ không quản ngại khó khăn, gian khổ, ngâm mình ngăn dòng nước lũ, hình ảnh những người chiến sĩ đã hy sinh quên mình cứu dân sẽ còn sống mãi trong lòng gần 100 triệu trái tim đầy nhiệt huyết của đồng bào cả nước, những tấm gương dũng cảm hy sinh quên mình đó của những cán bộ, chiến sĩ vì cuộc sống bình yên của nhân dân đã luôn nhắc nhở mỗi chúng ta hãy trân trọng, nâng niu, giữ gìn truyền thống đoàn kết, gắn bó máu thịt quân dân, để truyền thống đó mãi mãi là niềm vinh dự, tự hào, là trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam phải không ngừng củng cố, phát huy trong giai đoạn cách mạng mới.

Các em thân mến, các em những thế hệ trẻ của xã Thanh Quang, sinh ra và lớn lên trong thời bình, chưa thực sự hiểu hết những gian khổ, hy sinh của các thế hệ đi trước. Nhưng ngày hôm nay, trong giờ phút trang nghiêm, trọng thể này, với lòng kính yêu và biết ơn vô hạn, chúng ta thành kính tưởng nhớ Chủ Tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, lãnh tụ thiên tài của Đảng, của nhân dân ta; Người anh hùng giải phóng dân tộc; Danh nhân văn hoá thế giới; và là người Cha thân yêu của lực lượng vũ trang nhân dân. Chúng ta bày tỏ lòng kính trọng và tri ân sâu sắc các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, thanh niên xung phong đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, hiến trọn đời mình cho lý tưởng cách mạng của Đảng và dân tộc, cho sự nghiệp xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đã sinh thành, nuôi dưỡng và hiến dâng cho Tổ quốc những người con ưu tú, dũng cảm vượt lên muôn vàn mất mát thương đau, hết lòng đùm bọc, chở che, kề vai sát cánh cùng các lực lượng vũ trang đánh giặc cứu nước. Cảm ơn những người lính cụ Hồ đã luôn quan tâm ưu ái, thắp lên ngọn lửa tin yêu cho thế hệ trẻ hôm nay.

Truyền thống, đạo nghĩa là những giá trị mà toàn thể chúng ta không được phép quên và phải ghi nhớ suốt đời. Đó là hành trang tư tưởng của mỗi người HS trong học tập và rèn luyện. Noi gương các anh hùng liệt sĩ, cô mong rằng: Thiếu niên, nhi đồng chúng ta hôm nay phải biến truyền thống yêu nước và cách mạng trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc thành bản lĩnh và ý chí Việt Nam để chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu. Phải phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, tình nguyện vì cộng đồng, xây dựng lối sống văn hóa, văn minh, không ngừng học tập, ra sức “rèn đức luyện tài” để kế thừa con đường xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu mạnh; để đền đáp công ơn, sự hy sinh của các thế hệ cha anh. Tuổi trẻ cả nước nói chung và tuổi trẻ trường TH Thanh Quang nói riêng nguyện sẽ tiếp nối ngọn lửa truyền thống mà thế hệ đi trước đã thắp lên, sẽ là những anh Nguyễn Văn Thạc, bác sĩ Đặng Thùy Trâm của đất nước trong thời bình, sẽ giữ vững nền độc lập, hòa bình mà thế hệ cha anh đã mạng lại và góp phần xây dựng đất nước Việt Nam sánh ngang với cường quốc năm châu như điều Bác Hồ hằng mong ước. Đó là cách để hướng đến lý tưởng cao đẹp, hành động chân chính góp phần đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, xứng đáng với sự hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ và vì hạnh phúc trường tồn của dân tộc.

Cuối cùng, xin kính chúc các thầy giáo, cô giáo luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, công tác tiến bộ; chúc các em học sinh đạt thành tích cao trong học tập, rèn luyện.

Xin trân trọng cảm ơn./.

 

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC
12345678910...

VĂN BẢN TỪ SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Đang load thông tin...
Đang load thông tin...
LIÊN KẾT WEBSITE
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THANH HÀ
Địa chỉ: TT THANH HÀ - HUYỆN THANH HÀ -TỈNH HẢI DƯƠNG - ĐT: (0220) 3813 177
Địa chỉ Web: thanhha.haiduong.edu.vn; Email: thanhha@haiduong.edu.vn
Đăng nhập