PHÒNG, TRÁNH TAI NẠN THƯƠNG TÍCH - NHẤT LÀ ĐUỐI NƯỚC CHO TRẺ EM, HỌC SINH:
CẦN SỰ VÀO CUỘC CỦA CẢ CỘNG ĐỒNG, NHẤT LÀ GIA ĐÌNH!
Kính thưa các bậc phụ huynh và các em học sinh trường THCS Thanh Hồng!
Giáo dục kĩ năng sống cho học sinh là một việc làm rất quan trọng và cần thiết. Điều đó giúp các em tự tin, chủ động xử lý linh hoạt các tình huống trong cuộc sống. Một trong những kĩ năng được các các nhà trường đặc biệt chú trọng là phòng, tránh tai nạn đuối nước. Theo số liệu của ngành Y tế nước ta, trung bình mỗi ngày có hàng chục trẻ em bị đuối nước. Tình trạng này xảy ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước, nhất là những nơi có nhiều sông ngòi, ao, hồ. Mùa hè và thời gian nghỉ hè của các em học sinh đang tới gần, nếu các em không được thường xuyên quan tâm, giáo dục, nhắc nhở rất có thể gây lên những đáng tiếc có thể xảy ra. Điều đáng lưu ý là: trong số các nạn nhân bị đuối nước, có nạn nhân không biết bơi, có nạn nhân biết bơi, thậm chí bơi giỏi. Tất cả các vụ đuối nước đều rất thương tâm. Để lại nỗi đau cho gia đình và xã hội.
1. Đuối nước là gì?
Đuối nước là tình trạng nước tràn vào đường hô hấp làm cho các cơ quan bị thiếu oxy và các chức năng sống của cơ thể ngừng hoạt động.
2. Thời điểm và địa điểm xảy ra tai nạn đuối nước
Thời điểm xảy ra tai nạn đuối nước là vào các dịp lễ, tết, nhất là vào mùa hè, lượng người (cả người lớn và trẻ em) tắm mát ở sông, suối, ao hồ khá phổ biến. Trên địa bàn xã Thanh Hồng, hệ thống sông ngòi, ao, kênh mương, dẫn nước tưới tiêu cho đồng rộng khá dày đặc, nhiều nơi không có rào chắn an toàn, không có bậc lên xuống, biển cảnh báo nguy hiểm… do đó nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước là rất cao, lo lắng về đuối nước luôn thường trực và có thể xảy ra bất cứ nơi nào, với bất kỳ ai.
Đuối nước không chỉ xảy ra ở sông, suối, ao hồ,... mà còn có thể xảy ra ở ngay tại nhà, nơi làm việc, nhà trường, nhà trẻ ..vv. Vì thế tất cả moi người phải hết sức cẩn thận, không được chủ quan, lơ là và phải nắm vững kĩ năng xử trí tai nạn đuối nước.
3. Nguyên nhân gây đuối nước
3.1. Nguyên nhân chung
- Do người lớn, trẻ em thiếu ý thức, kiến thức về mối nguy hiểm, các yếu tố nguy cơ, và kỹ năng phòng tránh đuối nước. Các kỹ năng cần đặc biệt chú ý là: trông trẻ, dạy bơi, cứu đuối…
- Do môi trường có những yếu tố nguy cơ như:
+ Sông, hồ, suối, ao…không có biển báo nguy hiểm, rào;
+ Mưa to, lũ lụt xảy ra thường xuyên;
+ Những nơi có sông suối hồ ao, trẻ em không biết bơi hoặc biết bơi nhưng chủ quan không lường hết được sự nguy hiểm.
3.2. Đối với học sinh Thanh Hồng
Thanh Hồng là xã có nhiều sông bao quanh, kênh, mương dẫn nước thoát nước cho đồng ruộng nhiều; ao chứa nước…của người dân cũng không ít. Về mùa hè, thời tiết nóng nực, trẻ em, học sinh thường đi tắm sông, kênh mương, ao khi không có người lớn đi cùng vẫn còn khá phổ biến.
4. Xử lí khi gặp tai nạn đuối nước
- Khi phát hiện thấy người bị rơi ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu đuối vì bản thân mình cũng có thể bị đuối nước.
- Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao có buộc dây thừng... và kéo nạn nhân lên bờ một cách an toàn. Có thể ném một sợi dây dai, chắc... từ bờ để nạn nhân túm lấy được dây thừng và kéo nạn nhân vào bờ, hoặc cùng với mọi người vớt nạn nhân lên…
- Đặt nạn nhân nằm chỗ thoáng khí.
- Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm bằng cách đắp lên người nạn nhân tấm khăn khô.
- Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế ngay cả khi nạn nhân có vẻ bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau khi ngạt nước…
5. Cách Phòng tránh tai nạn đuối nước
- Không được đi tắm sông, ao, hồ, kênh mương, rạch.
- Không được phép bơi khi chưa xin phép bố mẹ
- Không chơi ở những nơi gần sông, hồ… khi không có người lớn
* Những nguyên tắc an toàn khi bơi:
+ Không nhảy cắm đầu ở những nơi không có chỉ dẫn
+ Không tắm, bơi ở những nơi có nước sâu, chảy xiết, xoáy và không có người lớn biết bơi & cứu đuối.
+ Không bơi khi trời đã tối, có sấm chớp, mưa.
+ Tuyệt đối tuân theo các bảng chỉ dẫn nguy hiểm.
+ Phải khởi động trước khi xuống nước.
+ Không ăn uống khi đang bơi để tránh sặc nước.
+ Không dùng các phao bơm hơi.
+ Không đi tắm bơi lội ở ao hồ một mình mà không có người lớn biết bơi đi,kèm.
+ Cần thực hiện nghiêm túc về an toàn giao thông đường thủy như: An toàn về phương tiện, có đầy đủ phao cứu sinh, áo phao, chở đúng số người quy định.
Đối với trẻ lớn và người lớn:
- Không nên nhảy xuống vùng nước mà không biết nơi đó nông hay sâu, có lối thoát khi gặp nguy hiểm hay không.
- Khi đi bơi nên đi chung với những người bơi giỏi và nên mang theo phao khi đi bơi và đi tàu thuyền.
- Không ăn no, không uống rượu trước khi xuống nước.
- Chỉ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát.
Đối với trẻ nhỏ:
- Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên và không được rời mắt để làm công việc khác như đọc sách, tán chuyện gẫu, chơi bài…
- Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.
- Nhà khá giả có hồ bơi nên rào kín xung quanh và cửa có khóa để trẻ em không mở cửa được, có hệ thống báo động khi trẻ em vào.
- Nên cho trẻ tập bơi sớm (trên 4 tuổi).
Mùa hè đến, các em lại không phải học buổi chiều, thời gian vui chơi nhiều. Vì vậy các bậc phụ huynh hãy luôn quan tâm hơn nữa đến việc quản lý các hoạt động vui chơi tại nhà của các con. Không để các con tự do đi chơi, đi bơi, tắm sông, ao, kênh mương đề phòng tránh tai nạn thương tích đuối nước.
Thanh Hồng, ngày 15 tháng 4 năm 2025
TỔ TƯ VẤN, BAN ATTH VÀ CSSK
|